Du học luôn là giấc mơ cháy bỏng
của nhiều bạn trẻ, dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường hay đã tốt nghiệp và có
việc làm. Giấc mơ đó lại càng hiện hữu hơn khi bạn đã kiếm được cho mình một suất
học bổng, hoặc nhận được sự hậu thuẫn về tài chính của gia đình. Mọi việc cần
làm còn lại chỉ là “xách ba lô lên và đi” thôi phải không?
Thực tế là, ngoài những hành
trang như tiền bạc, sách vở, áo quần… bạn nên trang bị thêm cho mình những hiểu
biết cơ bản về đất nước và nền văn hóa nơi mình sắp đặt chân tới, để đối phó với
hiện tượng “sốc văn hóa” mà ai trong số chúng ta, ít hay nhiều, chắc chắn sẽ gặp
phải khi tiếp xúc với cuộc sống ở một xã hội cách nhà mình nửa trái đất! Sốc
văn hóa có những giai đoạn thường gặp như sau:
Đầu tiên là giai đoạn “trăng mật”: khi bạn còn đang khá
hứng thú và bị “quyến rũ” bởi nền văn hóa mới, những người bạn mới gặp, ẩm thực
địa phương,.v.v…
Sau đó, bạn sẽ đối mặt với giai
đoạn “khủng hoảng”: đó là khi ý nghĩ mình xa gia đình đã thực sự hiện hữu, bạn
cảm thấy choáng ngợp bởi sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, đôi khi là sự sợ
hãi, mất kiên nhẫn với thực tại, băn khoăn không biết mình sẽ có thể thích nghi
hay không. Xen vào đó còn là nỗi nhớ nhà và nhớ gia đình đến cồn cào.
Kế đó là giai đoạn “thích nghi”:
Nhưng đừng lo, giai đoạn “khủng hoảng” rồi cũng sẽ qua đi và thay vào đó là tâm
lý thích nghi với hoàn cảnh. Bạn sẽ dần quen với cuộc sống hiện tại và sẽ tự điều
chỉnh để bản thân có thể phù hợp với cuộc sống mới.
Và cuối cùng là giai đoạn “làm chủ”: Có nghĩa là bạn đã vượt
qua ba giai đoạn trên một cách thành công, đồng thời đã có thể “làm chủ” được
những cảm xúc và nếp sống của mình ở môi trường mới. Điều này không có nghĩa bạn
hoàn toàn bị cải hóa và quên đi nơi mình đã sinh ra. Thay vào đó, bạn sẽ thấy
mình đang rất may mắn khi được tiếp xúc và mở mang đầu óc trước những kiến thức
văn hóa mới, trong khi vẫn hướng về những giá trị gốc của quê hương đã trở
thành tiềm thức.
Đăng nhận xét