Theo bảng chi tiết học phí của một số trường đại học hàng đầu thế giới (Massachusetts institute Of Technology (MIT), Harvard, Stanford California institute Of Technology (CALTECH); CamBridge, Oxford…) trong năm học 2015-2016, mức học phí tùy theo ngành học dao động từ hơn 500 triệu đến trên dưới 1 tỷ đồng.
Mỹ đang là điểm đến chính của du học sinh Việt Nam với số lượng khoảng 19.000 người trong năm 2015.
Được học ở Đại học Harvard (Mỹ) là ước ao của nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam. Ảnh minh họa.
Theo số liệu của Cục Đào tạo nước ngoài, chi phí trung bình cho một năm học ở Mỹ - bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt của du học sinh là khoảng trên 35.000 USD (770 triệu đồng). Như vậy, để con mình có được bằng cử nhân, phụ huynh phải chuẩn bị khoảng 150.000 USD (3,3 tỷ đồng).
Nhưng tiền chưa phải là vấn đề quan trọng nhất mà yếu tố quyết định chính là ở năng lực học tập của du học sinh. Các bạn trẻ mong muốn được học tập tại các trường này ngoài lực học còn phải có quá trình tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa 'đáng nể' mới có cơ hội lọt qua cửa hẹp.
Đổi lại, các trường đại học hàng đầu ở Mỹ có chế độ học bổng khá 'hào phóng'. Tại MIT, 90% sinh viên bậc cử nhân có sự hỗ trợ tài chính.
Tại trường Caltech, gần 60% sinh viên đại học theo học bằng học bổng. ĐH Pennsylvania chi đến 6 triệu USD (132 tỷ đồng) học bổng dành riêng cho sinh viên cử nhân quốc tế.
Tại ĐH Harvard, Yale mỗi năm cấp hàng trăm suất học bổng cho sinh viên quốc tế bậc cử nhân với mức trên 50 ngàn USD/năm (1,1 tỷ đồng)… Với những 'phần thưởng' hấp dẫn đó, nhiều du học sinh tài năng của Việt Nam đã ra sức 'săn' học bổng và đạt được kết quả rất khả quan.
Trong đó có những học sinh chiếm được suất học bổng khủng trị giá lên đến 320.000 USD (7,0 4 tỷ đồng) như học sinh Lã Hồ Minh Khuê, Tôn Hiền Anh tại ĐH Harvard…
Nếu không 'đụng' nổi tới các trường hàng đầu, phụ huynh ít tiền hơn còn có nhiều sự lựa chọn vào các 'trường thường bậc trung' ở Mỹ, Anh, Australia, Hà Lan, Nhật... Còn phương án kinh tế nhất khi muốn du học ở Mỹ là theo học các trường cao đẳng cộng đồng (Community College).
Đây được xem là bước đệm để bước vào các trường đại học Mỹ. Bởi sinh viên tốt nghiệp chương trình 2 năm tại các trường này có thể chuyển sang học năm thứ 3 của đại học 4 năm.
Yếu tố quan trọng khác là ở khâu tuyển sinh, người đăng ký học nếu chưa đạt trình độ Anh văn theo yêu cầu thì vẫn có thể ghi danh và tham gia các khoá tiếng Anh ngay tại trường trước khi vào học chính thức.
Cò học phí, nếu như các trường đại học tư ở Mỹ tầm 20 - 30.000 USD/năm (450 - 660 triệu đồng/năm) thì cao đẳng cộng đồng chỉ khoảng bằng 1/3.
Mà như vậy thì các bậc phụ huynh sẽ dễ thở hơn khi chứng minh tài chính xin visa du học. Ngoài ra, học ở đây du học sinh (DHS) còn có điều kiện đi làm thêm đủ để trang trải cho việc ăn ở.
Chị Út, ngụ quận Thủ Đức cho biết, cho con gái du học tự túc tại một trường cao đẳng cộng đồng sau khi tốt nghiệp THPT. Hai năm đầu học tiếng Anh tại đây, chị chỉ đóng học phí khoảng 6.000USD/năm (132 triệu đồng), còn sinh hoạt phí con chị đi làm thêm.
Tuy nhiên, theo chị Út, khi sang đấy các em phải có tính tự lập cao, chịu khó học hỏi chứ cái kiểu học 'tà tà' thì chẳng biết học đến bao lâu mới ra trường.
'Con tôi cho biết, phần lớn DHS trụ lại ở trường là nữ, còn các bạn nam 'rơi rụng' gần hết vì ham chơi nên học hoài mà vẫn chưa qua được tiếng Anh thì không thể vào học chính thức' - chị Út chia sẻ.
Du học có 2 loại: Du học phổ thông và du học đại học. Mà theo thầy Cao Duy Thảo (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Quốc tế Việt Úc tại TP HCM) thì du học sinh phải đáp ứng được các yếu tố chính đó là trình độ ngoại ngữ phải tốt, thích ứng được với phương pháp giảng dạy, hòa nhập với cuộc sống nước sở tại, có ý thức tự lập cao… chứ không phải cứ có tiền là được.
Muốn vậy, cha mẹ phải chuẩn bị hành trang cho con từ rất sớm và hãy để khi chúng 'đủ lông đủ cánh' mới cho đi du học. Vì vậy, theo thầy Thảo, du học đại học là tốt nhất, ít rủi ro nhất. Còn nếu du học phổ thông chí ít từ lớp 11 - 12, nếu sớm hơn rất dễ bị thất bại.
Thầy Thảo nhớ lại: 'Khi tôi còn làm hiệu trưởng, nhiều phụ huynh đưa con đi du học ở Mỹ, Australia bị thất bại giữa chừng đến cầu cứu tôi cho cháu xin học lại.
Tôi cũng tạo điều kiện cho các cháu nhưng nói thật học sinh từ trường Việt Nam ra nước ngoài học khó khăn một lần thì khi quay ngược lại khó gấp 10. Nhiều em còn rơi vào tình trạng trầm cảm nặng phải chữa chạy rất tốn kém mới học lại được'.
Thầy giải thích thêm: Khi đưa con đi du học hầu như phụ huynh chỉ chú ý tới trình độ ngoại ngữ, học bổng ra sao mà quên các yếu tố quan trọng khác đó là sự thích ứng với phương pháp giảng dạy, cuộc sống, phong tục tập quán ở nước theo học.
Ở các nước phương Tây, giáo dục mang tính độc lập, tự chủ, sáng tạo còn Việt Nam từ xưa tới nay, giáo dục bằng phương pháp thu nạp và tái hiện lại kiến thức. Nếu không thích ứng được phương pháp này học sinh sẽ 'đuối' ngay, không thể học hành gì được.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - TP HCM cho biết thêm, từ năm 2009, Viện Nghiên cứu có làm cầu nối chương trình 'Học bổng Phụ nữ châu Á' du học tại Bangladesh cho nhiều học sinh nghèo ở TP HCM.
Dù trước khi sang học chúng tôi đã giới thiệu về văn hoá, tôn giáo, những vấn đề phải đối diện… khi đến đất nước này nhưng cũng có đến 11 em phải về nước, trong đó có lý do không thích ứng với văn hóa nước sở tại.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia ở lĩnh vực du học, các bậc phụ huynh xây dựng mối liên hệ với nhà trường chủ yếu thông qua các em chứ ít khi trực tiếp với nhà trường.
Cho nên việc con em mình học tập thế nào các phụ huynh mù tịt, nghe con nói sao thì tin vậy. Từ thực tế cho thấy, những du học sinh bỏ học ham chơi thì chắc chắn sẽ tiêu xài nhiều hơn lúc bình thường.
Chính vì thế mà việc quản lý chi tiêu là vô cùng quan trọng. Khi con đòi hỏi gửi thêm nhiều tiền với lý do này, lý do nọ thì các phụ huynh cần xem lại. Nhất thiết phải sang tận nơi tìm hiểu ngọn ngành, nếu xảy ra sự cố thì tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời trước khi quá muộn…
Đăng nhận xét